Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp

12/04/2024

Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp

Tỷ lệ nội địa hóa hiện nay vẫn còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu của Hà Nội lên đến hàng chục tỷ USD.

Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đã có nhiều đóng góp vào nền kinh tế, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay vẫn còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.

Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Các doanh nghiệp hỗ trợ này tập trung chủ yếu sản xuất các linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp chế tạo trong sản xuất ôtô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện-điện tử.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đều có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng, lĩnh vực; trong đó, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề gồm sản xuất linh kiện, phụ tùng; Sản phẩm phục vụ ngành dệt may-da giày; Sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và của Hà Nội nói riêng vẫn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Do vậy, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.

Chỉ tính riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ôtô vào khoảng 35-50 tỷ USD, ông Nguyễn Vân chia sẻ.

Ông Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty Thương mại Xây lắp điện cơ khí cho biết hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để cải tiến, nâng cao chất lượng hệ thống sản xuất.

Từ cuối năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã có đơn hàng nhưng lại cạn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm. Do vậy, doanh nghiệp rất mong được tiếp cận với nguồn vốn vay có lãi suất thấp, điều kiện vay được nới lỏng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn từ nguồn lao động, tài chính, chuỗi cung ứng bị đứt gãy,… Do vậy, các doanh nghiệp cần những điểm tựa, hợp tác để có thể tham gia chuỗi sản xuất, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và toàn cầu.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa… thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Năm 2023, nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội đã được Sở Công Thương Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.

Để đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Hà Nội cũng tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác cũng như doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực; thành phố cũng xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ./.

Nguồn: Vietnamplus.vn

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Nhắn tin Facebook Chat Zalo:0932.488.998
icon icon icon