Các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước đang phải vay vốn với lãi suất lên đến 10%-12% trong khi các nước khác chỉ 2%.
“Công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu cũng còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI”. Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương diễn ra vào ngày 20-12.
Hai nút thắt lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ đang có khoảng 1.500 doanh nghiệp (DN). Các DN này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực gia công cơ khí, điện tử, nhựa, cao su, hóa chất. Năm qua, trong bối cảnh chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành cũng bị suy giảm khá nghiêm trọng.
“Doanh thu bình quân của DN công nghiệp hỗ trợ bị suy giảm lên tới 40%, tình trạng mất đơn hàng diễn ra ở nhiều thị trường, đặc biệt là ở châu Âu” - ông Tuất nói.
Đáng lo ngại hơn, ông Tuất cho hay có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ…
“Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ” - ông Tuất chia sẻ.
Đồng thời, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng nêu hai nút thắt lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Đó là các DN hỗ trợ trong nước đang phải vay vốn với lãi suất ở mức 10%-12% trong khi DN Hàn Quốc và nước khác vay vốn với lãi suất chỉ 2%.
Về vật tư, DN Việt Nam quy mô nhỏ nên phải mua nhỏ lẻ với giá cao, trong khi DN nước ngoài có quy mô lớn thường mua vật tư với số lượng lớn nên có giá thấp.
“Riêng vay vốn của chúng ta đã gấp 4-5 lần và vật tư mua nhỏ lẻ đắt gấp 1,5 lần thì ít có cơ hội để cạnh tranh” - ông Tuất bày tỏ.
Từ thực tế trên, ông Tuất kiến nghị cần có chiến lược coi công nghiệp hỗ trợ là linh hồn, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước, để từ đó có tầm chiến lược, có suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc, toàn diện về phát triển. Thêm nữa, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.
Là một công ty lớn trong lĩnh vực ô tô, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco), cũng cho biết năm 2023, doanh số ô tô bán ra hơn 96.500 xe các loại, giảm 25%. Xuất khẩu hơn 2.500 xe, doanh thu đạt hơn 10 triệu USD.
Với ngành gia công cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, doanh thu ước tính đạt gần 8.700 tỉ đồng, giảm 20% so với năm ngoái, do dung lượng thị trường ô tô Việt Nam giảm gần 30% sản lượng. Doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022.
Để hỗ trợ cho ngành vượt qua khó khăn và đạt các mục tiêu, ông Tài kiến nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung các dòng xe điện hybrid và có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp (thuế, phí, ưu đãi đầu tư) để thúc đẩy sản xuất cũng như sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường. Đồng thời, lãnh đạo Thaco cũng mong muốn Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, đề xuất Luật Công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng luật. Mục tiêu để tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Còn nhiều khó khăn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng công nghiệp chế biến chế tạo ước tính chỉ tăng 3,1%; một số ngành công nghiệp chủ lực đều giảm, có lĩnh vực giảm khá sâu đến 43% là vấn đề rất “báo động”.
“Nguyên nhân có cả khách quan, chủ quan nhưng trong cơn bão nền kinh tế đang lộ ra những vấn đề để chúng ta xem xét lại chiến lược trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thị trường tiêu thụ” - Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng nhìn nhận xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào FDI mà chưa đánh giá được trong FDI có bao nhiêu phần là chuyển giao công nghệ, hay chỉ gia công. Chúng ta không có bao nhiêu giá trị gia tăng, không giúp được đất nước nâng cao năng lực phát triển ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn. Trong thời gian tới, khi lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta có phương án tiếp cận ngành này như thế nào, chọn lĩnh vực nào để gia tăng giá trị hay nói đến công nghiệp bán dẫn mà cuối cùng vẫn chỉ là gia công như sản xuất giày dép?
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề lớn đặt ra không chỉ cho ngành công thương mà còn liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác để tính toán lại các chính sách đầu tư.
Thực tế, hiện các DN nước ngoài đang tranh thủ tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường rộng lớn của Việt Nam với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải lựa chọn, xây dựng những chiến lược để vừa thu hút FDI nhưng vừa xây dựng được những ngành công nghiệp nền tảng.
“Bước sang năm 2024, bối cảnh dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn, khốc liệt. Cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn, tinh vi hơn, không chỉ là các vấn đề thuế quan mà còn thực hiện các mục tiêu toàn cầu. Nếu không làm chủ và chủ động thì chúng ta sẽ không theo kịp, sẽ đứng ngoài xu thế lớn của thời đại” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: plo.vn